Chiến lược tài nguyên của Trung Quốc tại Lào và Campuchia

Chiến lược tài nguyên của Trung Quốc tại Lào và Campuchia
VIT - Ngày 13.03.09, Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Viện Quốc tế về Phát triển Bền vững công bố bảo trợ Chiến lược về tài nguyên tại khu vực Đông Dương của Trung Quốc, trong đó tập trung vào Campuchia và Lào thông qua quan hệ đối tác, ngoại giao, thương mại và viện trợ.

Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm lần thứ 10 (2001-2005) đã thiết lập một chiến lược hợp tác khai thác tài nguyên với nước ngoài, tạo nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt từ bên ngoài, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu mỏ, tạo nên nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược và duy trì an ninh năng lượng quốc gia. Từ năm 2004, Chiến lược “Vươn ra toàn cầu” của Trung Quốc đã được tính toán cụ thể để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tài nguyên thiên nhiên, cả ở quy mô khu vực và toàn cầu, khuyến khích đầu tư ra nước ngoài bằng cách trợ cấp đầu tư cho các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác tài nguyên. Năm 2002, Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới và hiện đang là một trong những nơi tiêu thụ nhôm, kẽm và niken lớn nhất. Cũng trong năm 2002, Trung Quốc đã trở thành nơi tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, với khối lượng 3,45 triệu tấn, chiếm 18,2% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu vượt xa cả Mỹ. Nhu cầu cao su tự nhiên của Trung Quốc dự báo đạt 11,5 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020, chiếm khoảng 30% sản lượng toàn cầu.

Chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm xây dựng các chính sách và hướng dẫn để quản lý nguồn viện trợ và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Dù đây là một động thái mới nhưng hứa hẹn sẽ đáp ứng và làm dịu những xung đột tiềm ẩn về đầu tư trong các dự án nhạy cảm như đập thủy điện, khai mỏ lộ thiên và phát triển đồn điền quy mô lớn. Tuy nhiên, chiến lược này hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đặt ra. Chẳng hạn, hướng dẫn của Chính phủ Trung Quốc về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực lâm nghiệp quy định các công ty Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp của nước sở tại. Tuy vậy, đối với khu vực Đông Dương, những quy định này ít được thực thi nghiêm túc. Điều này không tạo ra sự tiến bộ trong hoạt động kinh doanh và như vậy các công ty Trung Quốc không chỉ vi phạm pháp luật sở tại mà còn vi phạm luật pháp Trung Quốc.

Quan hệ của Trung Quốc với Lào và Campuchia khá năng động và phức tạp. Hiệp ước Thương mại Tự do ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) hứa hẹn những hợp tác kinh tế xa hơn trong tương lai. Thỏa thuận này cho thấy hoạt động tự do hóa thương mại và đầu tư sẽ tiến triển giữa hai đối tác này trong nhiều năm tới, cho phép Trung Quốc xây dựng mối quan hệ song phương và đa phương gắn bó với các nước láng giềng phía nam thông qua đầu tư, thương mại và viện trợ; nhờ quan hệ hữu nghị, Trung Quốc tiến hành thiết lập an ninh khu vực biên giới nhằm đảm bảo cho Trung Quốc tránh khỏi những ảnh hưởng lớn hơn từ phía Tây.

Trong khu vực Đông Dương, Trung Quốc đang giành được vị thế nổi bật như một đối tác và nhà đầu tư thương mại song phương quan trọng, đồng thời nổi lên như một đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với các nước láng giềng phía Nam trên thị trường và đầu tư toàn cầu. Trung Quốc tạo ra gần nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Châu Á, và chiếm 1/3 lượng xuất khẩu của khu vực. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và còn là nhà tài trợ và nhà đầu tư nước ngoài quan trọng nhất ở Lào và Campuchia.

Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp viện trợ đáng kể cho Campuchia và Lào hầu như không kèm theo bất kỳ điều kiện lớn nào và thường kết hợp với trao đổi và hỗ trợ văn hóa. So sánh với các nhà tài trợ khác, nguồn vốn ODA từ Trung Quốc thường không liên quan tới các lĩnh vực thương mại nông nghiệp, thủy điện và khai mỏ, đa phần là hỗ trợ cho phát triển giao thông, viễn thông, sức khỏe, giáo dục, nguồn lực con người. Campuchia là nước duy nhất có được hỗ trợ của Trung Quốc về các dự án phát triển thủy điện.

Trong cơ cấu thương mại với Campuchia và Lào, Trung Quốc hiện chiếm ưu thế trong nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu các mặt hàng chế tạo. Điều này tạo nên sự tương phản trong cơ cấu thương mại giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Philippines và Thái Lan khi cơ cấu thương mại với các nước này đa dạng hơn và hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc ít tập trung vào tài nguyên hơn.

Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang cung cấp nguồn lực cho công cuộc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Campuchia và Lào và trở thành những nhà đầu tư chính. Tại Lào và Campuchia, Trung Quốc đã tham gia vào khoảng 21 dự án thủy điện với tư cách là chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công.

Nhu cầu đang tăng lên của Trung Quốc về cao su thiên nhiên khiến các nước láng giềng phía Nam chuyển đổi một diện tích lớn đất lâm nghiệp sang trồng cao su. Trung Quốc đầu tư lớn vào sản xuất cao su ở Lào, mặc dù ít hơn so với Campuchia. Ở Việt Nam, mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực cao su hiện nay còn hạn chế, nhưng Trung Quốc vẫn đang là thị trường xuất khẩu cao su chính.

Sự hiện diện và vai trò ngày một rõ nét của Trung Quốc ở Lào và Campuchia mở ra những cơ hội mới thông qua FDI, thương mại và quan hệ đối tác vùng. Những cơ hội mới này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn thu cho một vài nước nghèo trong khu vực Đông Nam Á và xây dựng mối gắn bó khu vực chặt chẽ hơn cho cả Trung Quốc và những nước được đầutư.

Trung Quốc đang bắt đầu nỗ lực cải thiện vị thế của mình trên vũ đài quốc tế bằng việc thể hiện họ sẵn sàng nhận trách nhiệm thực hiện tốt nhất các nguyên tắc quốc tế như Nguyên tắc Xích đạo (Equator Principles) đối với các ngân hàng, các chiến lược tham gia của cộng đồng và chính sách tín dụng xanh. Tuy nhiên, nhiều công ty Trung Quốc chủ yếu thuộc nhà nước trong lĩnh vực khai thác mỏ và thủy điện vẫn đang thể hiện hoạt động yếu kém về mặt xã hội và môi trường ở nước ngoài. Nếu kiểm soát chặt chẽ các đầu tư ra nước ngoài, tăng cường các quy chế đầu tư, tiếp thu các điển hình và nguyên tắc thành công trên thế giới, Trung Quốc có cơ hội trở thành người dẫn đầu toàn cầu trong đầu tư bền vững về mặt xã hội và môi trường.



Nguồn tin
Quốc Trung (theo Boell-Southeastasia)

Bọn Trung Quốc Đánh Dân Ta trên Đất Việt