Khám phá mới về cổ sử: Lạc Việt là “anh cả” của Bách Việt

Khám phá mới về cổ sử: Lạc Việt là “anh cả” của Bách Việt
Linh Vũ , Aug 26, 2009

Cali Today News - Thứ Bảy ngày 22/08/09 lúc 03 giờ tại Hollywood Senior Center thành phố Portland, tiểu bang Oregon đã tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm biên khảo “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông” của ký giả Du Miên- Lê Thanh Hoa trong bầu không khí thân tình của bằng hữu và quan khách.

Hôm nay là ngày hè nóng bức nhất của vùng Tây Bắc, phòng hội chỉ đủ chứa khoảng trăm người, máy điều hòa không đủ lạnh, cho nên quan khách phải nhiều lần lau mồ hôi trán, tuy thế nhưng mọi người đều vui vẻ chào đón tác giả Du Miên Lê Thanh Hoa cho đến giờ phút chót rất niềm nở với cả lòng qúi mến. Chính những lúc như thế này mới thấy lòng hiếu khách và sự tha thiết quan tâm đến văn hóa của cộng đồng người Việt thành phố Portland, Oregon rất cao.

Hiện diện hôm nay có quí vị giáo sư, học giả, các vị lãnh đạo tinh thần, các bạn trẻ, cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí địa phương tham dự đã tạo nên bầu không khí mang nhiều sắc thái đặc biệt đáng ghi nhớ.

Mở đầu chương trình bằng nghi thức chào Quốc Kỳ, một phút mặc niệm rất trang nghiêm. Sau đó Linh Vũ vừa làm MC vừa là người giới thiệu tác phẩm “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông” chào mừng quan khách giới thiệu ban tổ chức từ Seattle đến và cô Bích Uyên của tuần báo Phương Đông Times, Oregon đã bảo trợ cho buổi ra mắt sách.

Đây là lần thứ hai Linh Vũ được hân hạnh giới thiệu tác phẩm biên khảo “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông” của ký gỉa Du Miên Lê Thanh Hoa với cộng đồng người Việt.

Bốn chương chính được đề cập đến là:

Chương I: Chứng liệu lịch sử xác minh ngưởi Tàu học văn hóa của người Việt.
Chương II: Khổng Tử đã lấy văn hóa Việt dạy cho người Tàu
Chương III: Người Việt Nam đã vẽ kiểu và điều khiển xây thành Bắc Kinh
Chương IV: Người Tàu đã cố tình dấu bộ sử có nhiều vấn đề liên quan đến Việt tộc

Khi giới thiệu tác phẩm biên khảo “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông”
tôi đã tìm thấy một cánh cửa lịch sử được mở ra với bao điều mới lạ đã xoay ngược ý nghĩ cố hữu của tôi qua kinh nghiệm sách vở và lòng ngờ vực về lịch sử dân tộc Việt. Tôi đã nhiều lần đọc lại tác phẩm “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông” của Du Miên Lê Thanh Hoa và đã sưu tầm nhiều sử liệu của các nhà biên khảo thế giới có liên quan đến dân tộc và văn hóa Việt, tôi bỗng giật mình và hiểu rằng cái sở học của mình còn hạn hẹp và bị gò bó trong những bức tường mặc cảm. Từ trước tôi cứ nghĩ dân tộc Việt nhỏ bé, lạc hậu làm sao có được nền văn minh cổ xưa, có nhân tài góp một bàn tay công ích to lớn cho thế giới!


Tôi muốn trình bày nhiều điều trong sách của Du Miên và những hiểu biết của riêng tôi nhưng thời gian rất giới hạn, cho nên tôi đã cố gắng thu gọn những phần chính yếu của mỗi trang để trình bày cho mọi người nắm bắt những sự kiện một cách nhanh chóng. Tôi chỉ nêu lên những chứng minh, những tài liệu sưu khảo chính xác về sử liệu của tác giả Du Miên Lê Thanh Hoa đã làm cho nhiều người ngạc nhiên đầy thích thú.

Những điều viết trong “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông” là những tìm tòi mới la, bất ngờ, làm đảo lộn sự suy nghĩ của nhiều người. Một số quan khách đã tâm sự, cái vốn hiểu biết trước đây qua những bộ sử mà họ đã đọc rất ư là hạn hẹp, không có cái nhìn chính xác, nhiều nghi vấn về cội nguồn dân tộc, cũng như lịch sử thế giới rất khó tìm kiếm để sưu khảo tìm ra sự thật. Hôm nay với đà văn minh nhân loại, với kỹ thuật tân tiến của ngành thông tin liên mạng điện tử, phương tiện đi lại dễ dàng đã giúp chúng ta rất nhiều trong việc tìm kiếm tài liệu liên quan đến cội nguồn lịch sử và những biến đổi thăng trầm của đất nước hằng ngàn năm qua.

Trước đây chúng ta đã mang nhiều mặc cảm là quốc gia chúng ta nhỏ bé, nghèo nàn, lại còn lạc hậu, chiến tranh liên tục, không để lại một kỳ tích nào sáng chói, cho nên muốn nói lên sự tự hào dân tộc, niềm hãnh diện của quốc gia, thật tình không tìm đâu ra để nói, chẳng nhẽ chỉ một vài chiến công chống ngoại xâm hay một vài tác phẩm văn chương, điều đó hẳn là chưa đủ. Tập sách biên khảo “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông” đã mang lại cho chúng ta niềm tự hào, những bằng chứng lịch sử mà hằng ngàn năm qua chúng ta vẫn lơ mơ về lịch sử dân tộc. Những mất mát này là do người Tàu đã che dấu và phủ nhận những công trình đóng góp vĩ đại trên mảnh đất Trung Hoa hằng ngàn năm qua mà người Tàu thường lấy nó để khoe khoang tự hào.

Sự thật không thể dấu mãi, ký giả Du Miên Lê Thanh Hoa đã tìm lại được những sự thật lịch sử dân tộc, để lấy lại công bằng, để làm sáng tỏ vấn đề cầm nhầm lịch sử của người Tàu hằng ngàn năm qua. Và mới đây nhất đài truyền hình Đức Quốc ZDF Dokukanal đã trình chiếu hai đoạn phim tài liệu “China Verbotene Stadt – Das Vermachtnis des Despoten” (Trung Hoa Tử Cẩm Thành – Bản di chúc của những bạo chúa) mà Giáo Sư Nguyễn Văn Nhiệm tác gỉa “Đường Vào Triết Học Việt Nam” đã đưa lên Net với nội dung như sau:

Lịch sử Tử Cẩm Thành bắt đầu bằng sự tranh chấp cướp ngôi vua đẫm máu. Hoàng tử Chu Đệ (Zhudi) là con thứ tư không được truyền ngôi của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, dấy binh cướp ngôi vua của cháu mình rồi lên ngôi vào năm 1402, xưng là Vĩnh Lạc (Yongle) có nghĩa là niềm vui vĩnh cửu. Vĩnh Lạc là người đa mưu, túc trí. Lúc mới lên chín tuổi mà hoàng tử trẻ đã một mình, không cần người tùy tùng, có thể tự mưu sinh được trong rừng núi thâm sâu, hẻo lánh.

Với một bản chất tàn bạo, cho nên vừa lên ngôi, Vĩnh Lạc ra lệnh giết hết tất cả triều thần cũ để trừ hậu hoạn, nhưng lại trọng dụng đám thái giám vì họ đã có công làm nội ứng trong cuộc tranh chấp cướp ngôi vua, mà trong đó có Nguyễn An (Ruan An) một tù binh Việt Nam (Vietnamesischer Kriegsgefangene) có thể do Trương Phụ bắt đem về Tàu từ đời nhà Hồ.

Vĩnh Lạc dời đô về Bắc Kinh và cho xây dựng cung điện vĩ đại ở đó gọi là Tử Cẩm Thành. Công trình kiến trúc qui mô này được giao cho Nguyễn An chịu trách nhiệm phác họa sơ đồ, cũng như đôn đốc nhân công ròng rã suốt 17 năm,…”

Và tại Hoa Kỳ Đại Học Cambridge đã kể công trình kiến trúc sư trưởng Nguyễn An trong phần sử về nhà Minh của Tàu tựa đề cuốn sử: “The Cambridge History of China, Volume 7, The Ming Dynasty, 1368-1644, part 1”.v.v…

Tiếp nối chương trình với đôi dòng giới thiệu tác giả Du Miên Lê Thanh Hoa của Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút Võ Thành Đông tuần báo Phương Đông Times Seattle. Ông đã nhấn mạnh đến công trình và nhiệt tâm của tác giả đối với nền văn học nước nhà, tình trạng giới trẻ hiện nay tại hải ngoại và trong nước. Ông cũng nêu lên sự hình thành Thư Viện hiện nay cho cộng đồng người Việt ở tiểu bang California và tài trợ dịch thuật những bộ sách Việt sang Anh ngữ cho thế hệ thứ hai, thứ ba dùng vào việc tra cứu hay tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt.

Sau đó Linh Vũ giới thiệu giáo sư Đinh Khang Hoạt lên phát biểu và nhận định sách “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông”. Giáo sư Đinh Khang Hoạt cũng là nhà nghiên cứu nhiều năm trong lãnh vực lịch sử và văn học Việt. Ông đã ca ngợi tinh thần cao đẹp của những người đã bỏ hết tâm huyết cho sự tồn vong nền văn hoá Việt. Giáo sư Đinh Khang Hoạt là người đã xuất bản hàng chục quyển sách trong nhiều năm qua với nhiều thể loại nghiên cứu khác nhau, ông là người chiến sĩ văn hóa hoạt động không ngưng nghỉ để bảo tồn những tinh hoa văn hóa Việt và tinh thần Việt tộc anh hùng. Ông cũng đồng ý những sử liệu trong Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông là chính xác, cần phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt và giới trẻ hiện nay để họ hiều rằng dân tộc Việt có hơn năm ngàn năm văn hiến sáng ngời và chúng ta có nhiều điều để tự hào về dân tộc Việt. Giáo sư cũng chứng minh thêm về đức Khổng Tử đã lấy phong dao văn hóa Việt đưa vào Kinh Thi làm “chính phong” để giáo dục tầng lớp vua quan trong triều đình và dân chúng học đạo lý làm người.

Tiếp theo là người bạn lâu năm của ký giả Du Miên Lê Thanh Hoa, ông Phạm Trọng Thu, nguyên Hạm Trưởng Thường Trú Hạm Hải Quân QLVNCH đã chia xẻ những tâm tình và khen ngợi tinh thần biết hy sinh và mối quan tâm đến tương lai giới trẻ hiện nay. Ông nói quyển sách “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông” là tiếng trống Diên Hồng thôi thúc giới trẻ trong nước hãy thức tỉnh, hãy đứng lên trong tình trạng đất nước hiện nay đang bị người Tàu áp dụng chính sách tàn độc lâu đời từ thời Hán với mục đích đồng hóa dân tộc Việt qua mỹ từ tình hữu nghị để thỏa mãn tham vọng “nhất thống thiên hạ” mà hiện nay nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam khiếp nhược dâng đất dâng biển cho họ, biết đâu năm mươi năm, hay một trăm năm sau Việt Nam sẽ bị xoá tên trên bản đồ thế giới như họ đang thực hiện tham vọng Hán hóa như trên đất Tây Tạng hiện nay. Đây phải chăng là niềm đau của dân tộc sau hơn ba mươi năm gọi là độc lập dưới sự cai trị của chế độ Cộng Sản.

Theo tôi thấy lịch sử lập quốc của nhiều quốc gia trên thế giới, hay những phát minh, những công trình, những chứng tích oai hùng đâu phải chỉ do chính dân tộc họ làm nên. Dù là dân tộc nào, tất cả phải được tôn trọng và nêu rõ nguồn gốc.

Như nước Anh thống nhất vào thế kỷ thứ 10 với tên nước là “England” có nguồn gốc từ người Angles, hay thành phố Luân Đôn là do một trong số người bộ tộc Đức đến định cư trên vùng lãnh thổ này vào thế kỷ thứ 5 & 6 đã làm nên thủ đô Luân Đôn (London) thành phố lớn nhất của vương quốc Anh hiện nay và người lập ra nước Anh chính là Guillaume le Conquérant người Pháp, nhưng người Anh họ không che dấu lịch sử.

Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cũng vậy, sự phồn thịnh và văn minh hôm nay đâu phải chỉ là của người Hoa Kỳ nguyên thủy (tức Da Đỏ) làm nên, người Âu , Mỹ họ không bao giờ phủ nhận những công trình do những sắc tộc khác đóng góp. Hay mạo nhận những nhân tài đó là của quốc gia họ, ví dụ như hoàng đế Napoléon làm rạng danh nước Pháp là người Corse đâu phải người Pháp, ông đã đưa nước Pháp lên tột đỉnh vinh quang. Hay nhà độc tài Hitler đâu phải là dân Đức, mà ông ta là ngưới Áo; Staline người Georgie đâu phải người Nga, hay hung thần Thành Cát Tư Hãn người Mông Cổ lập ra nhà Nguyên, hay đại đế Alexandre là người Macédoin. Người Tây phương họ không bao giờ phủ nhận những công trình vĩ đại của những danh nhân thuộc sắc tộc khác, không như bản chất mạo nhận của người Tàu. Có lẽ Tàu là một quốc gia có nhiều tham vọng và tự tôn đi chiếm đoạt đất đai của người khác để làm của riêng mình.

Đến 4 giờ chiều, mọi người nghỉ giải lao tại chỗ, thưởng thức chương trình văn nghệ của các nghệ sĩ trẻ trình diễn, đồng thời ban tổ chức mời quan khách uống nước giải khát và ăn những miếng dưa hấu đỏ tươi ngọt liệm, sau đó ký giả Du Miên Lê Thanh Hoa cám ơn bạn bè và quan khách, chuyện trò và trả lời những thắc mắc của mọi người.

Trong phần trả lời chất vấn có một điều làm mọi người ngạc nhiên thích thú là câu hỏi đầu tiên được nêu lên từ một phụ nữ đứng tuổi, mái tóc bạch kim, hình như rất thông suốt về lịch sử Tàu Việt. Bà hỏi “Có sự liên hệ nào giữa Việt ta và Việt vương Câu Tiễn thời Xuân Thu Chiến Quốc hay không?”

Ký giả Du Miên không trả lời ngay câu hỏi của bà mà đi đến bên cạnh, xin phép được chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm. Sau đó ký giả Du Miên từ tốn lấy quyển sách Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông lật trang chữ Việt lẫn chữ Nho đưa cho bà, rồi tươi cười trả lời một cách mạch lạc.
Thật ra, trong cổ sử Bách Việt Tiên Hiền Chí của sử gia Âu Đại Nhậm viết vào thời Minh cách nay 500 năm, đã viết rất rõ về mối liên hệ này. Bộ cổ sử này người Tàu đã cố tình dấu nhẹm. Mãi đến khi Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt Nam tức Thư Viện Việt Nam tại Hoa Kỳ tìm ra rồi dịch và chú thích, in nó thì mọi việc đã được đưa ra ánh sáng.

“Thưa chị,” ký giả Du Miên điềm đạm trả lời, “Chẳng những chúng ta có liên hệ với các tộc Việt khác trong Bách Việt mà ta còn là “anh cả” của Bách Việt nữa. Xưa nay, có nhiều người cho rằng “Lạc” là “chim lạc” nhưng chẳng ai biết “chim lạc” là chim gì. Gần đây có người giải nghĩa chữ “lạc” là “lúa”.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, đã tìm được ý nghĩa đích thực của chữ “Lạc” trong “Lạc Việt”, tức là quốc hiệu của nước ta từ thời lập quốc. Theo Thuyết Văn Giải Tự, cuốn tự điển do Hứa Thận soạn vào thời nhà Hán, cách nay gần 2.000 năm, nghĩa là rất gần với cồ sử, “lạc” có nghĩa là cái trán. Cái trán là đầu não, là chỉ huy. Lạc tướng là tướng chỉ huy. Lạc Việt là anh cả của các tộc Việt trong Bách Việt. Lý giải này phù hợp với chuyện cổ tích Một Mẹ Trăm Con hay Sự Tích Con Rồng Cháu Tiên…”

Buổi giới thiệu tác phẩm “Việt nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông” với số người tham dự như thế ở cái tiểu bang nhỏ bé này coi như là một thành công hơn những lần tổ chức tương tự. Bầu không khí vui vẻ ấm cúng với những chai nước mát, ổ bánh mì thịt thật là Sàigòn, và những miếng dưa hấu tráng miệng, tuy đơn sơ nhưng đã nói lên sự thân tình và lòng thương mến của bằng hữu đã dành cho tác giả.

Chương trình giới thiệu tác phẩm Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông, với phần văn nghệ giúp vui của ban nhạc VietFan cùng những giọng ca ngọt ngào như Hoài Trang, Đăng Tú, Lê Minh, Lưu Minh Dâng… qua những ca khúc tình tự quê hương và sáu câu vọng cổ mùi mẫn với nhiều tràng pháo tay tán thưởng giòn giã.

Sau hết, đại diện ban tổ chức, anh Nhan Hữu Hậu có đôi lời chia xẻ và cám ơn tất cả bạn bè và quan khách đã đến tham dự thật cảm động. Anh nói: “Với một buổi trưa hè nóng bức mà mọi người đã chịu khó ngồi lại đến giờ phút chót đó là một vinh dự cho ban tổ chức, sự hiện diện của bằng hữu đầy đủ đã nói lên tinh thần đoàn kết và sự quan tâm đến văn hóa Việt.”

Anh Nhan Hữu Hậu nhấn mạnh: Văn hóa còn thì đất nước còn, văn hóa còn dân tộc Việt còn, cho dù chúng ta sống lưu vong ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Cám ơn ký giả Du Miên Lê Thanh Hoa đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu để lấy lại công bằng cho dân tộc Việt, để tìm câu trả lời chính xác điều gì là niềm tự hào dân tộc để chúng ta không phải hổ thẹn với tiền nhân. Cám ơn tác phẩm Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông đã điểm mặt kẻ thù phương Bắc hãy trả sự thật lịch sử lại cho người Việt Nam. Tin tưởng rằng những ai quan tâm đến tiền đồ dân tộc hãy đón nhận những tác phẩm như Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông làm nền tảng để lấy lại niềm tin trong lòng dân Việt, đúng như yếu tố căn bản mà đức thánh Trần Hưng Đạo đã dạy: “Dựa vào lòng dân”. Dựa được vào lòng dân thì không sợ bất kỳ kẻ thù nào. Có lòng dân để dựa. Phải tạo lại niềm tin trong lòng người dân Việt!

Buổi giới thiệu tác phẩm “Việt Nam: Suối nguồn Văn Minh Phương Đông” kết thúc khoảng năm giờ chiều cùng ngày trong sự chia tay nhiều lưu luyến của bằng hữu và các quan khách. Một bông hồng cho đôi uyên ương báo chí Bích Uyên và Đồng Anh Túc, chủ nhiệm báo Phương Đông News, Portland, Oregon, trong một thời gian chỉ có 2 tuần chuẩn bị mà đã thành công vượt bực cho buổi sinh hoạt ý nghĩa này.

LINH VŨ

Bọn Trung Quốc Đánh Dân Ta trên Đất Việt